Chuyện người xưa chọn đất làm nhà (1) |
Người viết: Tuvankientruc.com.vn (PL) | |||||||
06/06/2008 | |||||||
Phong thuỷ tồn tại trên hai nghìn năm mà cực thịnh là các triều
nhà Minh, nhà Thanh bên Tàu, vào khoảng năm 1369 đến đầu thế kỷ này. Và dường như, những kiến thức phong thuỷ đấy của người xưa vẫn ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn.
Hai khái niệm mà nhiều người hoà trộn thành một, hoặc là vô tình hay hữu ý không phân biệt đó là phong thuỷ và thuật phong thuỷ. Phong thuỷ là địa thế, địa hình, là đất là nước quanh ta. Phong thuỷ là môi trường mà con người tồn tại trong đó. Thuật phong thuỷ là những luận lý, những suy nghĩ của con người và các thích ứng cuộc sống của con người khi nằm trong cái phong thuỷ ấy. Như thế phong thuỷ là tồn tại khách quan còn thuật phong thuỷ là sản phẩm của ý thức liên quan đến phong thuỷ.
Phong thuỷ còn có ý nghĩa rộng là những hoạt động nghiên cứu về thiên
văn, về sao trời, vũ trụ, về trái đất, về khí tượng, về địa thế làm
nhà, đặt mồ mả. Nên vừa gần với con người lại vừa xa với con người, lý
luận cơ bản của phong thuỷ (kinh dịch, âm dương ngũ hành) thì rất trừu
tượng, thuật ngữ sử dụng thì khác lạ với ngôn từ hàng ngày tạo ra cho
phong thủy một dạng vẻ bí hiểm. Đọc phong thuỷ và nghe về phong thuỷ
thấy một không khí sống, chết đan xen, đất trời hoà nhập, rõ không ra
rõ mờ không ra mờ làm cho quần chúng tin thì có thể tin, có thể không
tin thì cũng sợ. Thấy phong thủy lại thêu dệt bao chuyện ly kỳ, gán một
số quan niệm phong thuỷ vào các sự kiện lịch sử, tô vẽ cho phong thuỷ
có bộ mặt thần bí. Lý luận và thực tiễn của phong thuỷ vô cùng phức tạp. Để xem một thế đất đặt mả, phần lớn thầy địa lý phải ở gần gia chủ cả năm trời, sáng cơm rượu rồi đi ngắm nghiá đất trời rong ruổi ngoài đồng. Chiều về đọc sách (chẳng hiểu sách gì), khểnh duỗi tư duy để rồi nhập nhoạng tối lại thành kính và đợi chờ đất phát. Chờ mãi không thấy đất phát lại ngẫm nghĩ, tính suy hay là tại mình tâm chưa thành, lòng chưa kính hay thậm chí còn hối vì đãi thầy chưa hậu. Ngay vài năm gần đây trong câu chuyện làm nhà ở ta, chắc không ít người cậy thầy phong thuỷ. Vào những năm 1991- 1993 nhà đất vào cơn thịnh vượng thì nhiều người làm nên ăn ra tưởng đâu như nhờ thầy mà phát. Nhưng sang năm 1995 – 1996 nhà vay tiền làm, những mong Tây thuê để thu hồi vốn nhưng biển treo “house for rent” cả thời gian dài dài chẳng có ai ngó hỏi. Nợ vẫn chất chồng, lãi mẹ đẻ lãi con, chắc cũng chẳng có ai đi trách thầy phong thuỷ. Thầy phong thuỷ nào chẳng nói như tép nhảy, lại đệm những từ như minh đườmg, huyền vũ, bạch hổ, thanh long, chủ nhà chỉ còn cách gật đầu lia lịa xuýt xoa khen thầy và tự hào mình đã được đặt ngang mình cùng thầy đạo cao đức trọng. Nước Trung Hoa từ sau 1949 thuật phong thuỷ bị đả kích nặng nề, không dám công khai lộ diện nhưng nó lại được Hồng Kông, Đài Loan nâng đỡ. Nó cứ dai dẳng tồn tại có lúc rõ hình có lúc lu mờ, kín đáo. Vài năm gần đây, trong không khí cải cách chung về kinh tế ở Trung Quốc người ta lại nghiên cứu và bàn luận về phong thuỷ trên sách vở. Điều khẳng định là nó tồn tại dai dẳng. Vậy cái lý để nó tồn tại là gì. Có người xếp phong thuỷ như một hiện tượng văn hoá, vì nó sống trong phần hồn của con người. Trong phong thuỷ và thuật phong thuỷ có cái lý giải được theo khoa học là địa hình, địa thế làm nhà chịu ảnh hưởng của địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, vi khí hậu. Xem thế đất làm nhà chính là chọn theo ngôi nhà theo các điều kiện thuận lợi về phương vị, khí hậu, địa chất công trình tốt, địa chất thuỷ văn phù hợp. Đây chính là khâu điều tra cơ bản để chọn địa điểm xây dựng. Từ môi trường vi khí hậu tốt mà chủ nhà có sức khoẻ tốt, tâm lý tốt, làm nên ăn ra. Đấy là những nhân tố tích cực. Làm cho phong thuỷ thần bí, võ đoán những thế đất này thì đau mắt, thế đất kia con gái lại goá chồng ...là điều chưa hẳn dễ tin. Đọc phong thuỷ, tìm hiểu phong thuỷ để tìm ra yếu tố để nó tồn tại như hiện tượng văn hoá, dùng nhãn quan khoa học để khen cái được, chê cái bịa đặt là điều cần làm. Đối chiếu những điều đã có trong phong thuỷ và thuật phong thuỷ, gạn đục khơi trong với phong thuỷ là điều có thể làm được. Phong thuỷ gắn liền với đất đai, với phương thức. Tri thức về phong thuỷ không thể tách rời với những khái niệm cơ bản về phương vị hiểu theo cách của người Tàu cổ. Để xác định phương vị khi đi khảo sát đất đai, nghề phong thuỷ dùng dụng cụ gọi là la bàn. La bàn lớn gọi là La kinh. La bàn nhỏ gọi là trốc long. Trên la bàn, la kinh hay trốc long vẽ nhiều vòng tròn và các vạch xuyên tâm chia phương vị. Đời Minh có Từ Chi Mạc soạn “La kinh đỉnh môn trâm” có hai quyển chỉ nam châm. Sách này cho rằng la kinh lúc đó có 24 hướng, bỏ quên 12 chi của tiên thiên, nên thêm 12 chi, chia làm 33 tầng, trình bày bằng chữ và vẽ hình. Ngoài ra sách còn một phụ lục do Chu Chi Tương vẽ. Thẩm Thăng đời Minh cũng soạn “La kinh đỉnh môn trâm” bàn về tiêu nạp khí trong 72 long mạch. Chính giữa la bàn gắn một kim nam châm có trụ quay. Phần dưới kim là các vòng trong đồng tâm và những tia đi qua trục kim nam châm ghi phương vị. Trong các vòng tròn (thường là ba vòng) thì vòng trong cùng là vòng địa bàn, vòng giữa là vòng nhân bàn và vòng ngoài cùng là vòng thiên bàn. La kinh có thể có tới 13 vòng. Nếu chỉ có ba vòng thì vòng thiên bàn dùng xem hướng nước tụ, nước chảy. Vòng địa bàn để ấn định long mạch. Vòng nhân bàn để luận sự tốt xấu của các gò đống (mà phong thuỷ gọi là các sa). Vòng tròn được chia thành 24 ô, mỗi ô ứng với 150 Nếu lấy vòng tròn địa bàn làm gốc thì vòng thiên bàn lệch về phải nửa ô và vòng nhân bàn lệch về phía trái nửa ô. Tại tâm thường làm một vòng nhỏ, chia thành hình âm, dương. Nhận thức là Thái cực sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng. Tứ tượng là Thái dương,Thái âm,Thiếu dương,Thiếu âm. Đó chính là bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Cách xác định phương vị trước thời Tần: Khi đi, trước mặt là Chu Tước, sau lưng là Huyền Vũ, còn bên tả là Thanh Long thì bên hữu là Bạch Hỗ. Điều này có nghĩa là, trước mặt là Nam thì sau lương là Bắc, bên trái là Đông thì bên phải là Tây. Chính Bắc ghi chữ Tý, chính Nam ghi chữ Ngọ, chính Đông ghi chữ Mão, chính Tây ghi chữ Dậu, kể theo chiều kim đồng hồ thì lần lượt 24 ô như sau: Mão, ất, Thìn, Tốn,Tỵ, Bính, Ngọ, Đinh, Mùi, Khôn, Thân, Canh, Dậu, Tân, Tuất, Càn, Hợi, Nhâm, Tý, Quý, Sửu, Cấn, Dần, Giáp. Chuyện lưu truyền khi Quản Lộ (đời Tam Quốc) đi về phía Tây gặp mộ Vô Hưu Kiệm thì than thở, không vui mà nhận xét: Cây cối tuy nhiều mà từ lâu không có bóng, bia mộ lời ghi hoa mỹ nhưng không có hậu để giữ gìn, huyền vũ khuất mất đầu, thanh long không có chân, bạch hổ đang ngậm xác chết, chu tước đang rên rỉ, mối nguy đã phục khắp bốn bề, họa diệt tộc ắt là sắp đến, không quá hai năm đã ứng nghiệm. Quách Phác trong “Táng Kinh” dặn rằng: Thanh Long bên trái, Bạch Hổ bên phải, Chu Tước đằng trước, Huyền Vũ đằng sau, muốn được mồ yên mả đẹp Huyền Vũ phải cúi đầu, Chu Tước dang cánh Thanh Long uốn khúc, Bạch Hổ quy thuận. Khi nhìn thế đất đồng thời phải nhìn màu đất. Nếu ta thăm đàn tế xã tắc ở công viên Trung Sơn Bắc Kinh thì thấy phương đông Thanh Long , đất màu xanh cây cỏ, phương tây Bạch Hổ màu đất trắng bạc, phương nam Chu Tước đất đỏ màu hồng, phương bắc Huyền Vũ đất có màu đen. Giữa đàn cúng, đất màu vàng tượng trưng cho người. Tứ tượng sinh Bát quái, ngoài tứ tượng đã có lặp lại trong Bát quái còn thêm bốn hướng của bát quái là: Càn, Khôn,Cấn,Tốn. Đó chính là các hướng Tây Bắc, Tây Nam, Đông Nam, Đông Bắc. Như thế phương Đông có Giáp, Mão, ất, Đông Nam có Thìn,Tốn, Tỵ, Nam có Bính, Ngọ, Đinh, Tây Nam có Mùi, Khôn, Thân, Tây có Canh, Dậu, Tân, Tây Bắc có Tuất, Càn, Hợi, Bắc có Nhâm, Tý, Quý, Đông Bắc có Sửu, Cấn, Dần. Các hướng thuộc địa chi là: Tý, Sữu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi (12 hướng đia chỉ). Tám hướng thuộc thập can là: Giáp, ất, Bính, Đinh, Canh,Tân, Nhâm, Quý (bỏ Mậu, Kỷ trong thập can). Các hướng xếp đối xứng gọi là bát sơn đối diện gồm: Càn-Tốn, Khảm-Ly, Cấn-Khôn, Chấn- Đoài. Bắc thuộc Khảm, Đông thuộc Chấn, Nam thuộc Ly, Tây thuộc Đoài. Phân vị theo ngũ hành thì chính giữa là hành Thổ, Bắc thuộc Hành Thuỷ, Đông thuộc Hành Mộc, Nam thuộc Hành Hoả, Tây Hành Kinh. Còn cách gọi khác: Thuỷ là Nhuận hạ, Hoả là Viên thượng, Mộc là Khúc trực, Kim là Tòng cách, Thổ là Gia tường. Theo Hồng Vũ cấm thư luận về Ngũ hành tương ngộ thì thuỷ giao thuỷ nam nữ tất dâm. Phương Bắc thuộc Thuỷ. Nếu có nước thâm nhập từ phương Bắc vào khu đất ta ở hay mộ phần thì con cái không ổn thoả. Nếu dựng nhà quay măt hướng Nam thì sau nhà là huyền vũ. Huyền vũ phải là thế đất nhô cao, có gò thoải mới thuận mới đẹp. Gò thoải là thế huyền vũ cúi đầu. Nếu sau nhà là đầm nước hoặc vách núi dựng thì có khác gì huyền vũ mất đầu mà Quản Lộ chê bai ở trên.
|
< Trước | Tiếp > |
---|
| |
| |
| |
| |
| |
| |
| |
| |
|