Trong thực tế thi công nhà ở, vẫn đôi lúc giữa gia chủ với người thiết kế và đơn vị thi công nảy sinh vấn đề băn khoăn ở việc thi công phần mái ngói. Có người bảo đúc bê tông rồi dán ngói cho chắc chắn, ý kiến khác lại
thích lợp mái ngói kiểu xưa trông “tình cảm” hơn. Thử tìm hiểu hai
cách lợp này có ưu nhược gì trong sử dụng hiện nay.
Mái ngói Đồng Nai loại 22 viên/m2 lợp theo kiểu truyền thống, chú ý chống thấm tại các vị trí tiếp giáp nhà bên và dùng thép tấm hàn bịt đầu xà gồ
Tuy cùng tạo ra một dáng vẻ bên ngoài, nhưng giữa lợp ngói và dán ngói có sự khác biệt. Với mái bê tông đúc nghiêng rồi dán ngói lên, khối lượng của bộ mái khá nặng (bao gồm dầm, tấm bê tông cốt thép, vữa hồ xi măng) và bị lưu nhiệt trong kết cấu, thời gian thi công lâu và phức tạp. Nếu bề mặt rộng thì dễ bị co giãn khi thời tiết thay đổi nên hiện tượng thấm dột trong kết cấu thường xảy ra. Khi sửa chữa, chống thấm khó khăn vì lớp ngói bên ngoài “dính” vào sàn bê tông, đồng thời nước ngấm bên trong giữa các viên ngói rất khó tìm vị trí thấm chính xác.
Còn nếu lợp mái theo cách truyền thống (bằng hệ kèo, xà gồ, rui, mè… mà hiện nay thường dùng hệ sắt hộp hoặc hệ giàn kèo thép mạ khá nhẹ và bền) thì toàn thể bộ mái có khối lượng nhẹ hơn, các viên ngói liên kết trên giàn thép bằng vít chứ không “dán” cứng lên tấm bê tông nên có thể co giãn tốt theo thời tiết. Việc thi công lợp ngói theo trình tự của nhà sản xuất khá đơn giản và sửa chữa cũng dễ dàng vì có thể gỡ vít từng viên thay vì phải đục ra như kiểu “dán ngói”. Mặt khác, tổng chi phí mái ngói lợp khung thép chỉ khoảng bằng 70% so với mái ngói dán trên tấm bê tông, thời gian thi công lại rút ngắn khoảng một nửa.
Tóm lại, nên chọn cách lợp bằng hệ kèo thép đối với hệ mái lợp ngói của nhà ở và dĩ nhiên phải có thiết kế chi tiết, tính toán số lượng đòn tay, rui, mè chính xác. Còn biện pháp dán ngói vẫn có thể dùng đối với những chi tiết mái có diện tích nhỏ (vì khi đó khối lượng bê tông giảm nên sự co ngót ít) như mái cổng, mái viền trên cửa, mái hắt ban công. Và theo ý kiến nhiều kiến trúc sư kinh nghiệm thì về mặt thẩm mỹ, một bộ mái ngói được lợp đầy đủ với rui-mè-đòn tay bên dưới nhìn lên trông vẫn “đúng kiểu” hơn, đem lại sự thụ cảm đầy đủ về cấu trúc hơn so với ngói dán lên một tấm bê tông phẳng. Cũng có người lo ngại rằng lợp ngói kiểu cũ thì khe hở giữa các viên ngói có thể bị mưa tạt vào, hoặc bị... trộm cạy ngói chui xuống như thuở xưa (!?) thực ra cũng không chính xác. Vì ngói thế hệ mới hiện nay (như ngói DIC-secoin, CPAC Monnier…) khá chuẩn, có cấu tạo gờ chắn nước mưa khá tốt, nếu lợp đúng quy cách của nhà sản xuất quy định thì rất khít khao và chắc chắn. Mái nhỏ dạng ô văng, mái đón, mái hiên… thì có thể đúc bê tông
rồi dán ngói lên
Hình ảnh quen thuộc của bộ mái ngói với cách lợp truyền thống
Hiện nay, các hãng sản xuất ngói như Đồng Tâm, Đồng Nai, CPAC Monier, Nakamura... đều có hướng dẫn chi tiết cách lợp với hệ giàn thép hoặc gỗ sao cho hiệu quả và thẩm mỹ. Với chất lượng của ngói màu và các hệ giàn thép hiện đại thì nỗi ám ảnh mái nhà lợp ngói dùng khung gỗ mục nát thấm dột ngày xưa đã lùi hẳn vào dĩ vãng rồi. Việc dán ngói trên diện tích mái bê tông lớn đã bộc lộ rất nhiều hạn chế và không phù hợp, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều như nước ta. Bài: Theo SGTT
<< Trang trước Trang sau >> |